ĐƯỜNG DÂY NÓNG:

Đầu tư cho cơ khí nông nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước, thế nhưng ngành cơ khí nông nghiệp của vùng thời gian gần đây đã không đáp ứng nhu cầu thúc đẩy cho nông nghiệp phát triển. Nhiều chuyên gia cũng như nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã bày tỏ sự quan ngại và nêu ra các kiến nghị rất đáng quan tâm.

Ông Nguyễn Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Kỹ thuật Cần Thơ cho biết: Muốn phát triển ngành cơ khí nông nghiệp trước hết cần phải chú trọng đào tạo kỹ sư nhưng hiện nay, các trường đại học trên địa bàn đã ngưng hoặc khó khăn về việc tuyển sinh ngành này. Riêng Khoa Cơ khí của Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2005 cũng đã ngừng đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp vì sinh viên học ngành này sau khi tốt nghiệp ra trường không thể xin được việc làm. Ông Nguyễn Thái Công kiến nghị: Nhà nước nên thành lập các trung tâm nghiên cứu cơ khí hóa nông nghiệp phục vụ cho các vùng để tạo cơ hội cho các sinh viên mới ra trường tìm được việc làm.

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Hòa Bình, Giám đốc Công ty Cơ khí An Giang cho rằng, nhà nước cũng cần có chính sách phù hợp để thu hút sinh viên cho ngành cơ khí giống như đã làm với ngành sư phạm trước đây.

Theo các chuyên gia cơ khí nông nghiệp, hiện lĩnh vực cơ khí nông nghiệp ĐBSCL không những đang yếu về nguồn nhân lực do công tác đào tạo gần đây bị giảm sút mà ngành luyện kim, đúc cơ khí cũng rất yếu do chưa được quan tâm, đầu tư. Điển hình như một doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ghép cầu sắt nông thôn ở An Giang phải nhập thiết bị là khung sườn sắt thép nguyên liệu về. Sau đó đo đạc kích cỡ, cắt ra thành phẩm rồi lại chở ngược về TP Hồ Chí Minh để sơn mạ kẽm gây tốn kém nhiều thời gian và chi phí vận chuyển vì toàn vùng ĐBSCL chưa có nơi nào làm được công đoạn này.

Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy gặt đập liên hợp phục vụ cho việc thu hoạch lúa là khâu quan trọng nhất trong ngành cơ khí nông nghiệp nhưng đến nay cũng chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào ở ĐBSCL làm có hiệu quả. Trong tổng số hơn 10.000 chiếc máy gặt đập liên hợp đang hoạt động ở khu vực ĐBSCL hiện nay đều là máy ngoại nhập từ Nhật Bản, Trung Quốc. Cái khó nhất của các cơ sở, doanh nghiệp trong khu vực là chưa có công nghệ luyện kim và nhiệt. Vì muốn đầu tư cho công nghệ này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Theo ông Quách Ba, Giám đốc Công ty Vĩnh Hưng, nếu cứ nhập máy ngoại về thường xuyên thì không biết bao giờ các doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp ở ĐBSCL mới ngẩng mặt lên được. Còn ông Bùi Hòa Bình cho rằng, trong việc chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, các chính sách nhập khẩu và thuế không phù hợp nên đã đẩy giá thành máy của Việt Nam chế tạo đội lên rất cao, khó cạnh tranh.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, Phân hội trưởng Phân hội Cơ khí Nông nghiệp ĐBSCL bày tỏ, ngành cơ khí nông nghiệp ĐBSCL hiện nay đang rất cần sự chung tay của các hội viên. Các doanh nghiệp cần phải hợp lực và đứng đầu phải có một “nhạc trưởng” điều hành. Chúng ta cần nghiên cứu chế tạo các máy mang nhãn hiệu Việt Nam nhưng phải có sự hỗ trợ quan tâm của nhà nước. Ngành cơ khí nông nghiệp ĐBSCL không thể tự mình nghiên cứu, đầu tư các sản phẩm cơ khí nông nghiệp với quy mô lớn mà rất cần đến sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương để góp phần cơ giới hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.

 

Các tin bài khác

totop
BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn